Sau khi tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đã dành cho phóng viên Báo Điện tử Chính phủ cuộc trả lời phỏng vấn về định hướng phát triển của Ninh Bình những năm tới.
Thưa đồng chí Bí thư, nhìn lại những kết quả kinh tế-xã hội nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, đồng chí đánh giá như thế nào?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh:Năm năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010-2015, bám sát định hướng của Trung ương về 3 khâu đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết-thống nhất, chủ động-sáng tạo, phát huy dân chủ, khắc phục khó khăn, ra sức phấn đấu, đạt được những kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế Ninh Bình tăng trưởng khá, tốc độ bình quân đạt 11,7%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ, các nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển tăng nhanh; cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường. Diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới. Văn hoá-xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đời sống nhân dân ổn định, nhiều mặt được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được tăng cường. Năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố ngày càng vững mạnh…
Có thể khẳng định, những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010-2015 là quan trọng. Những kết quả đó ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, sự đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân chính là những yếu tố quyết định làm nên những thành tích của Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh.
Những kết quả này sẽ là động lực để Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh tiếp tục vững bước trong chặng đường mới với những mục tiêu và giải pháp được đề ra sát với tình hình thực tiễn của địa phương, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, quốc phòng địa phương.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có thể khái quát những định hướng cơ bản phát triển kinh tế-xã hội của Ninh Bình trong nhiệm kỳ 2015-2020?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh: Trên cơ sở dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước, Đại hội đã thảo luận thống nhất cao với phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Binh trong giai đoạn 2015-2020, đó là: “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phấn đấu đưa Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững”.
Mục tiêu chung là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, quản trị, điều hành của chính quyền các cấp; tăng cường đoàn kết xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh tổng hợp của nhân dân; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, coi trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế (GRDP), phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển văn hóa-xã hội toàn diện; thực hiện tốt và đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng địa phương. Phấn đấu đưa Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững.
Đại hội đã thống nhất đưa ra 3 khâu đột phá, 7 chương trình trọng tâm và biểu quyết 15 mục tiêu chủ yếu bao quát trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Một trong những định hướng quan trọng được Ninh Bình xác định là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thưa đồng chí, để hoàn thành mục tiêu này, Ninh Bình cần phải tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của du lịch, đưa du lịch Ninh Bình tiếp tục phát triển bền vững?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh: Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua đó là quần thể danh thắng Tràng An của Ninh Bình được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về một mảnh đất Ninh Bình địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Với sự kiện quan trọng này, du lịch Ninh Bình chính thức bước vào thời kỳ mới, mở ra nhiều vận hội và thời cơ mới, đưa ngành du lịch tỉnh Ninh Bình tiến gần hơn mục tiêu trở thành ngành kinh tế trọng yếu. Lượng khách du lịch đến Ninh Bình không ngừng tăng lên qua các năm. Năm 2015, số lượt khách đến tham quan các điểm du lịch đạt 6 triệu lượt (gấp 2 lần so với năm 2010); doanh thu từ du lịch đạt 1.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý Nhà nước về du lịch còn hạn chế; việc thu hút đầu tư về du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh…
Với phương hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2015-2020 đã đưa ra mục tiêu phấn đấu để doanh thu du lịch đến năm cuối nhiệm kỳ theo giá hiện hành đạt 3.000 tỉ đồng.
Để thực hiện mục tiêu đó, Đại hội đã xác định một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới, đó là: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; nâng cao chất lượng, hiệu quả du lịch, dịch vụ đồng thời đưa ra chương trình trọng tâm để tổ chức thực hiện phát triển dịch vụ du lịch, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ; phát huy vai trò của văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch, thân thiện, hiếu khách của con người cố đô Hoa Lư…
Trước hết tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết các khu du lịch, đồng thời quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm các quy hoạch phát triển du lịch. Trên cơ sở phát huy thế mạnh về tài nguyên du lịch để tập trung thu hút đầu tư, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng các tour, tuyến, khu, điểm du lịch, thực hiện các dự án mới. Tăng cường công tác quản lý và phát huy hiệu quả giá trị Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, các di tích lịch sử-văn hóa; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với phát triển văn hóa và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, du lịch, bảo vệ cảnh quan môi trường. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh giáo dục cộng đồng nâng cao nhận thức phát triển du lịch bền vững. Phát triển mạnh thị trường trong tỉnh, mở rộng và đa dạng hóa thị trường ngoài nước. Mở rộng quan hệ hợp tác, phối hợp chặt chẽ, tạo được sự liên kết với các tỉnh, liên kết vùng để phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo : baochinhphu.vn | Toàn Thắng (thực hiện)