Lễ hội Trường Yên tại Cố đô Hoa Lư thu hút đông đảo du khách thập phương bởi trò chơi dân gian độc đáo, đặc trưng riêng có của mảnh đất Hoa Lư – Ninh Bình.
Hoa Lư là vùng đất giàu lịch sử nên có rất nhiều lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh các vị vua, anh hùng dân tộc có công xây dựng đất nước mà tiêu biểu nhất là lễ hội Trường Yên.
“Ai là con cháu rồng tiên
Tháng Ba mở hội Trường Yên thì về”
Lễ hội thường được tổ chức vào đầu tháng 3 âm lịch, chính hội ngày mồng 10 tháng 3( là ngày vua Đinh lên ngôi hoàng đế). Lễ hội được diễn ra tại quảng trường trung tâm khu di tích Cố đô Hoa Lư và các di tích xung quanh; nhưng có phạm vi ảnh hưởng lớn, không chỉ Ninh Bình mà còn lan tỏa tới hệ thống di tích thời Đinh-Tiền Lê khác ở Việt Nam.
Lễ hội Trường Yên gồm 2 phần là: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có: lễ mộc dục, lễ mở cửa đền, lề rước nước, lễ rước lửa, lễ tế chính, lễ tiến phẩm, lễ rước kiệu và lễ hội hoa đăng. Về phần hội: sau khi khai mạc lễ hội, các trò chơi dân gian được diễn ra như trò cờ lau tập trận, xếp chữ Thái Bình, hội thi hát chèo, người đẹp Hoa Lư, cúp bóng truyền Hoa Lư và rất nhiều giải đấu thể thao và sự kiện văn hóa khác,…
Có thể nói, lễ rước nước là phần lễ thiêng liêng nhất và cũng thu hút số lượng người xem nhiều nhất. Lễ rước khởi hành từ đền vua Đinh qua đền vua Lê ra bến sông Hoàng Long lấy nước. Dẫn đầu lễ rước là những người mang cờ ngũ sắc, tiếp đến phường phát âm, kiệu lớn đi đầu, theo sau là các vị bô lão, quan khách, tiếp đến là đội rồng, đội lân và cuối cùng là rất nhiều nhân dân địa phương và khách du lịch. Trong tiếng trống, chiêng, gióng lên từng hồi,âm vang rộn rã, thúc dục,Rồng vàng uốn lượn uy phong trên sóng nước. Đoàn người cử hành nghi lễ ở giữa dòng sông, mang nước sông về làm lễ. Lễ rước nước còn gắn liền với truyền thuyết ly kì, hấp dẫn kể về rồng vàng hiện lên đưa Đinh Bộ Lĩnh sang sông.
Bên cạnh những nghi lễ linh thiêng, lễ hội Trường Yên còn thu hút du khách thăm quan và để lại ấn tượng trong lòng mỗi người chính bởi những trò chơi dân gian vô cùng độc đáo, hấp dẫn. Trong các trò chơi như: chọi gà, đấu vật,cờ người, thổi cơm thi,… thì đáng chú ý nhất vẫn là trò cờ lau tập trận. Đây là trò chơi dân gian đặc trưng, diễn lại sự tích quãng đời chăn trâu của Đinh Bộ Lĩnh trên mảnh đất Trường Yên.
Trên dòng sông Xào Khê, mỗi năm đến dịp lễ hội Trường Yên, nhân dân lại tổ chức hội thi đua thuyền để tưởng nhớ vua Đinh kén quân Thụy. Đây là một trong những trò chơi sôi động nhất, thu hút đông đảo nhân dân tới cổ vũ. Hội thi bên cạnh việc giải trí còn mang ý nghĩa cảm tạ nguồn nước đã đem đến mùa màng tốt tươi, cuộc sống người dân được no ấm.
Giá trị văn hóa của dân tộc cổ truyền được thông qua các hình thức sinh hoạt lễ hội, các cuộc tế, lễ, rước, các tiết mục diễn sướng dân gian, những biểu hiện của văn hóa phi vật thể ở lễ hội Trường Yên cổ truyền vẫn được duy trì về cốt lõi trong mối quan hệ hữu cơ với thân thế và sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc trên vùng đất Cố đô Hoa Lư ngàn năm lịch sử.